Trong sự kiện diễn ra vài tiếng đồng hồ trước, Facebook đã chính thức giới thiệu sản phẩm mới nhất của mình: Graph Search. Đây là một phương thức giúp người dùng tìm kiếm trong các nội dung về hình ảnh ảnh, bạn bè cũng như những mối liên hệ giữa các tài khoản Facebook với mức độ cá nhân hóa cao. Nhà sáng lập kiêm CEO của mạng xã hội này, ông Mark Zuckerberg, cho biết rằng Graph Search không phải là "web search" như chúng ta vẫn tiến hành tìm kiếm qua Google hay Bing. Công cụ này được thiết kế để trả về kết quả từ một truy vấn chính xác thay vì chỉ thực hiện tìm kiếm và đưa kết quả chung chung từ nhiều trang web khác nhau.
Facebook Graph Search
Để đưa ra kết quả theo hướng trực quan, Facebook Graph Search sẽ sử dụng hàng loạt các bộ lọc để sắp xếp các nội dung như địa điểm, sở thích của người dùng Facebook, mối quan hệ (relationship) tùy theo truy vấn của người sử dụng. Còn tính năng tìm kiếm thông thường, tức những nội dung không khớp với truy vấn khi dùng Graph Seach, sẽ được thực hiện thông qua Bing với sự hợp tác giữa Facebook và Microsoft. Về cơ bản thì Bing sẽ đưa ra những kết quả không nằm trong hồ sơ (profile) của người dùng, ví dụ như thời tiết, tiêu đề bài nhạc... Những kết quả này sẽ xuất hiện dưới dạng những đường link (giống với Bing bình thường) và nằm tách biệt với kết quả từ Graph Search.
Nói thêm về Graph Search, Facebook cho biết công ty thực hiện việc tìm kiếm dựa vào những mối quan hệ xã hội phong phú được thiết lập giữa các thành viên của mạng xã hội này. Những kết quả trả về trước hết sẽ là những tài khoản mà người dùng tương tác nhiều nhất, sau đó chúng sẽ lần lượt được sắp xếp theo số lượng bạn chung cùng nhiều yếu tố khác. Ý tưởng chung ở đây là để đưa ra những gì có liên quan và phổ biến nhất đối với người dùng. Ví dụ, khi chúng ta dùng Graph Search để tìm "Friends who like Star Wars and Harry Potter" (những bạn bè thích xem Star Wars và Harry Potter), Facebook sẽ trả về những người bạn thích hai tựa phim này. Hoặc nếu bạn truy cập vào liên kết nguồn, nhấn nút Try A Search, Facebook sẽ đưa ra những bạn bè đang sống cùng thành phố với bạn. Thậm chí bạn có thể tìm những thứ như "Photos of my friends" để Facebook trả về những hình ảnh của bạn bè.
Giao diện tìm kiếm bạn bè
Bên cạnh đó, Facebook còn hi vọng sẽ giúp người dùng tìm kiếm những điều thú vị và mới mẻ với tính năng "Extend this Search". Nó sẽ xuất hiện khi người dùng thực hiện việc tìm kiếm và sẽ giúp ích khi được tích hợp với công cụ Open Graph hiện có của Facebook cũng như những trang video như Netflix. Ngoài ra, Facebook còn được bổ sung khả năng tìm kiếm vị trí với một số bộ lọc đặc biệt cho phép truy vấn thông tin địa điểm, dạng như "Phòng khám nha khoa ở San Francisco". Kết quả trả về sẽ là những phòng khám được bạn bè "thích" (Like), đi kèm theo đó là địa chỉ và số điện thoại. Đây là một cách để tích hợp sự đánh giá của cộng đồng, đặc biệt là những người mà bạn quen biết, vào kết quả tìm kiếm, thay vì chỉ đưa ra những thứ được đề nghị bởi người lạ.
Trong một bài blog mới đăng tải, Facebook còn định vị Graph Search như là một giải pháp tìm kiếm hướng đến doanh nghiệp thay cho những trang như LinkedIn. Facebook tiết lộ Graph Search có thể được dùng để tìm kiếm những cá nhân đang làm việc tại một công ty nào đó - một thứ mà người ta hay thực hiện trên LinkedIn - trong khi vẫn theo dõi được tính cách, sở thích của cá nhân của người mà ta muốn biết thêm thông tin. Những nhà tuyển dụng có thể sẽ thấy Graph Search có ích.
Facebook cho biết Graph Search sẽ được ra mắt "một cách từ từ", bắt đầu từ ngày hôm nay với phiên bản Beta giới hạn cho những người dùng Facebook tiếng Anh. Nếu quan tâm, bạn có thể vào link này, cuộn xuống cuối trang và nhấn vào nút "Join Waiting List". Ở thời điểm hiện tại, Graph Saech chỉ áp dụng cho Facebook nền web và một số tính năng như tìm kiếm thông qua Open Graph hay Posts sẽ không hiện diện. Trong vài tháng tới, Graph Search sẽ được mở rộng cho nhiều ngôn ngữ khác, đồng thời cho phép truy cập từ các thiết bị di động. Ngoài ra, Facebook cũng có đề cập đến chuyện bảo mật của Graph Search rằng "bạn chỉ có thể xem những gì được phép xem trên các khu vực khác của Facebook", có nghĩa là Graph Search sẽ không trả về những kết quả mà bạn không được cấp quyền để xem.
Cũng trong buổi họp báo ra mắt Graph Search, CEO Zuckerberg đã có giải thích về việc chọn dùng Bing thay cho Google. "Chúng tôi cũng muốn làm việc với Google. Chúng tôi chỉ muốn tích hợp khả năng tìm kiếm và miễn là các công ty sẵn sàng đảm bảo về vấn đề bảo mật của người dùng chia sẻ nội dung trên Facebook, chúng tôi sẽ làm việc với họ. Hiện chúng tôi vẫn chưa làm được điều này với Google". Như vậy, có vẻ như Google cũng nằm trong danh sách những đối tác mà Facebook bắt tay để phát triển trải nghiệm tìm kiếm mới, nhưng vì một số lí do liên quan đến quyền cá nhân mà chúng ta vẫn chưa thấy Google xuất hiện. "Điều quan trọng ở đây đó là khi người ta chia sẻ thứ gì đó lên Facebook, chúng tôi muốn cho họ khả năng lan truyền nó, tuy nhiên nội dung vẫn phải được rút lại và gỡ bỏ ngay khi cần. Microsoft thì đồng ý làm những việc cụ thể dành cho Facebook (hơn là Google)".
Một số ví dụ về Graph Search do Facebook đưa ra:
Tìm kiếm người: “friends who live in my city,” “people from my hometown who like hiking,” “friends of friends who have been to Yosemite National Park,” “software engineers who live in San Francisco and like skiing," "people who like things I like," "people who like tennis and live nearby"
Tìm kiếm hình ảnh: “photos I like,” “photos of my family,” “photos of my friends before 1999,” "photos of my friends taken in New York," “photos of the Eiffel Tower”
Tìm kiếm địa điểm: “restaurants in San Francisco,” “cities visited by my family,” "Indian restaurants liked by my friends from India," “tourist attractions in Italy visited by my friends,” “restaurants in New York liked by chefs," "countries my friends have visited"
Tìm kiếm sở thích: “music my friends like,” “movies liked by people who like movies I like,” "languages my friends speak," “strategy games played by friends of my friends,” "movies liked by people who are film directors," "books read by CEOs"
ArtSeed Design
(Nguồn: Facebook, The Verge, Engadget)